Ambient scent marketing / Olfactory marketing hay aroma marketing có thể hiểu là tiếp thị mùi hương. Kết hợp các yếu tố khác như địa điểm, cách bài trí, đồng phục nhân viên, ánh sáng, nhiệt độ, âm nhạc và mùi hương, các nhãn hiệu có thể tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho không gian của mình.
Theo thống kê, 70% các trải nghiệm hằng ngày của chúng ta có liên quan tới khứu giác, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sự liên kết chặt chẽ giữa mùi hương và ký ức. So với các sản phẩm không mùi, khách hàng có xu hướng ghi nhớ các sản phẩm có mùi hương đi kèm hơn tới 100 lần.
Đây cũng là lý do mà nhiều công ty lựa chọn scent marketing để góp phần củng cố hình ảnh của thương hiệu. Bên cạnh đó, một mùi hương dễ chịu cũng sẽ tăng sự hài lòng của khách hàng. Người mua hàng có xu hướng ở lại cửa hàng có mùi hương họ thấy thoải mái lâu hơn 40%. Vì vậy Scent marketing cũng là một công cụ để tăng doanh số bán hàng.
Một số trường hợp thực tế về ứng dụng scent marketing:
Rạp chiếu phim
Không khí nhộn nhịp đi cùng với mùi hương của bỏng ngô mới hấp dẫn như thấm vào toàn bộ không gian của rạp chiếu phim vậy. Đương nhiên rạp đôi khi còn bán cả pizza, gà rán, khoai tây chiên nhưng không mấy khi mà bạn ngửi thấy các mùi đó bởi mùi bỏng ngô mới là mùi thương hiệu của họ.
Singapore Airline
Bạn không nhất thiết phải bán đồ ăn hay quần áo thì mới cần dùng đến scent marketing. Mùi của cabin máy bay chưa bao giờ là mùi yêu thích của phần đông hành khách, nhận ra điều đó, Singapore Airline đã phát triển một mùi hương riêng cho khăn lau của họ. Đây là sự hòa trộn của hương hoa và các loại quả vitamin C. Mùi hương này giúp giảm căng thẳng và nâng tầm trải nghiệm của hành khách.
Ngân hàng, bệnh viện
Trong quá trình chờ đến lượt dễ gây nhàm chán, đặc biệt, không ai thấy thoải mái khi đi khám bệnh, mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu sẽ giúp khách hàng cảm thấy thư giãn đầu óc hơn.
Abercrombie N Fitch
Trái với các nguyên tắc thông thường khi sử dụng scent marketing: nhẹ nhàng và không gây xao nhãng, mùi hương của Abercrombie & Fitch rất nồng và cũng được nhận thấy rõ nhất trong số các nhãn hàng bán lẻ sử dụng scent marketing. Thay vì tinh tế, mùi hương Fierce của Abercrombie & Fitch sử dụng chiến thuật “can lộ lộ” cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ sử dụng mùi hương rõ ràng như những biển quảng cáo (billboard) ngoài trời mà không thể bỏ qua nổi.
Tuy mạo hiểm nhưng có thể nói nước hoa Abercrombie & Fitch vẫn đạt được những thành công nhất định trong việc củng cố định vị thương hiệu của mình qua mùi hương.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng lớn khác như Burger King, Inditex (Tập đoàn sở hữu Zara, Berskha, Pull n Bear…), Dunkin Donut cũng áp dụng thành công scent marketing trong hoạt động.